Khách hàng đòi tiền vì dự án trong danh sách rà soát thanh tra

Bất ngờ có tên trong danh sách rà soát của Bộ Tài chính nên một số dự án dù đang có tiến độ bán hàng khá tốt nhưng đột nhiên chững lại.

Danh sách được Bộ Tài chính đưa ra có tính chất tham khảo với cơ quan thanh tra.

Danh sách được Bộ Tài chính đưa ra có tính chất tham khảo với cơ quan thanh tra.

Chủ đầu tư một dự án tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay khoảng 2 ngày nay, khách mua nhà liên tục gọi điện đến công ty đòi tiền sau khi thấy tên dự án nằm trong danh sách có thể bị tiến hành thanh tra.

“Khách hàng nói chúng tôi làm ăn không minh bạch, tiền đã thu đầy đủ của khách hàng nhưng không thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với cơ quan nhà nước”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Trước đó, trong đề xuất Thủ tướng về kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công nếu chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấu giá.

Chủ đầu tư dự án tại TP HCM cũng chia sẻ, mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng cũng đến tận trụ sở hoặc gọi điện để đặt câu hỏi về pháp lý, các nghĩa vụ tài chính của dự án cũng như uy tín của doanh nghiệp.

“Những khách hàng đang cân nhắc mua dự án thì hoãn việc xuống tiền. Người đã mua cũng đặt câu hỏi, liệu chủ đàu tư đã làm gì để dự án đến nông nỗi ấy. Họ chưa hiểu rằng, thực tế đây chỉ là danh sách những dự án đã chuyển nhượng trong giai đoạn mà Bộ Tài chính rà soát, chứ không phải dự án có sai phạm và sẽ bị thanh tra trong thời gian tới. Dù đã giải thích cặn kẽ nhưng nhiều khách hàng vẫn không tin”, đại diện chủ đầu tư cho hay.

Ông cũng cho biết,  các thủ tục cấp phép mở bán dự án cũng được ngành xây dựng thành phố chấp thuận, không phải chủ đầu tư bán “lúa non” hay bán chui cho khách hàng. Hơn nữa, dự án đang có tiến độ thi công và bán hàng khá tốt.

“Dù mất rất nhiều công để giải thích cũng như hướng dẫn nhân viên cách để trả lời khách hàng về thủ tục pháp lý của dự án nhưng không phải khách hàng nào cũng hiểu và tin tưởng. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch tiếp thị, bán hàng, xây dựng bộ hồ sơ đầy đủ thủ tục pháp lý dự án để khách hàng có thể tham khảo và yên tâm mua hàng”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Dù không ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng bởi dự án đã hoàn tất và bàn giao cho người mua từ nhiều tháng nay, song chủ đầu tư một tòa chung cư tại Hà Nội cũng cho biết cuối tuần trước, một nhóm khách hàng đã vây quanh trụ sở công ty để yêu cầu đơn vị này giải thích về việc có tên trong danh sách này. Cùng với đó, người mua nhà cũng yêu cầu chủ đầu tư chứng minh cũng như cam kết rằng điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của những khách hàng đã mua căn hộ.

Một trong những vấn đề lo ngại khác của nhiều chủ đầu tư là kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công nếu chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấu giá. Bởi theo lãnh đạo các doanh nghiệp, điều này càng khiến khách hàng nghi ngờ về tiến độ dự án, đặc biệt là những người đã mua nhà sẽ rất hoang mang.

Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa gửi tới Thủ tướng 4 đề xuất liên quan đến các dự án bất động sản nằm trong danh sách có thể tiến hành thanh tra. Trong đó, đơn vị này kiến nghị vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. HoREA cho biết đề xuất này để các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.

“Như vậy cũng khiến các chủ đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án, trong khi chờ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền”, HoREA cho hay.

Về quyền lợi của người mua nhà tại các dự án bị thanh tra, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đề xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án nếu có. Bởi theo đơn vị này, người mua nhà không có lỗi và đã giao kết cũng như thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với chủ đầu tư.

Ông Phùng Viết Vĩnh – Luật sư đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Vinawind cho rằng, theo nguyên tắc thì người mua nhà chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Hơn nữa, theo ông việc thanh tra các dự án theo chỉ đạo của cơ quan quản lý là làm rõ việc sử dụng quỹ đất công, tức là giữa đơn vị sở hữu trước đây là doanh nghiệp Nhà nước với chủ đầu tư hiện tại. Còn đối với người mua là bên thứ 3 sẽ được luật và cơ quan quản lý bảo vệ về quyền lợi.

Cũng theo ông, hoạt động kiểm tra, thanh tra cũng là hoạt động thông thường của cơ quan quản lý. Do đó, người mua nhà cũng không cần quá lo ngại trước những thông tin trên.

Trước đó, trong kiến nghị gửi tới Chính phủ về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đưa ra 60 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn tháng 7/2014 đến tháng 11/2016.

Dựa trên đề xuất đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh đây chỉ là danh sách để tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch năm 2017 đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều đó cũng đồng nghĩa, không phải toàn bộ 60 dự án này đều nằm trong danh sách bị thanh tra.

Theo VnExpress