Nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài với giá trị “khủng” đã quay trở lại, khiến thị trường bất động sản (BĐS) nổi sóng.
Dồn dập các thương vụ M&A
Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS Việt Nam đã đón nhận sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài và kèm theo là dòng vốn lớn. Đáng chú ý là, đã có thêm nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Việc những gương mặt mới tham gia vào thị trường thông qua các thương vụ M&A cho thấy, BĐS là lĩnh vực rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Trong số đó, nổi đình đám nhất phải kể đến việc Tập đoàn Rose Rock, một công ty quản lý đầu tư và phát triển BĐS của gia đình nhà tài phiệt Mỹ Rockefeller, vừa công bố sẽ đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD xây dựng Dự án Tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng tại tỉnh Phú Yên. Siêu dự án này sẽ được Tập đoàn Rose Rock phát triển cùng với Tập đoàn VRP (Nga).
Tập đoàn Nakheel (Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất – UAE) cũng đã công bố sẽ đầu tư vào Dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star bằng việc hợp tác với Tập đoàn Sovico Holdings của “đại gia” Nguyễn Thanh Hùng. Có diện tích 125 ha, tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, được động thổ vào năm 2007, Dự án có mục tiêu xây dựng một khách sạn 5 sao, với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại.
Một dự án resort lớn khác cũng được chuyển nhượng đầu năm nay là Alma Resort tại Khánh Hòa. Được biết, tỷ phú Israel Igal David Ahouvi đã mua lại dự án này, với giá 300 triệu USD.
Ngoài ra, một số dự án M&A lớn khác cũng được các nhà đầu tư quốc tế có thâm niên tại Việt Nam thực hiện. Đó là Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited, một nhà đầu tư BĐS Hồng Kông lâu năm ở Việt Nam đã bỏ ra 200 triệu USD để sở hữu 48% cổ phần của dự án căn hộ tại số 90 – Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM.
Công ty Tổ chức nhà Quốc gia (N.H.O) cũng công bố, họ đang đầu tư vào 14 dự án nhà ở với tổng quỹ đất 230 ha, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án được mua lại từ nhiều chủ đầu tư khác. Các dự án này tập trung ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi, An Giang.
Nhiều nhà đầu tư khác có nhiều năm đầu tư ở thị trường BĐS Việt Nam, như Sembcorp, CapitaLand và Keppel Land của Singapore vẫn âm thầm thâu tóm các dự án. Mới đây, Sembcorp, chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP ở Bình Dương đã nhận giấy phép đầu tư Khu đô thị VSIP Sembcorp Gateway tại Bình Dương, với tổng vốn 200 triệu USD và đầu năm nay, cũng đã nhận giấy phép tăng vốn thêm 120 triệu USD cho dự án tại Hải Phòng. Keppel Land (hiện có tới 10 dự án BĐS đang triển khai tại Việt Nam với khoảng 22.200 căn nhà) cũng bành trướng ra Thủ đô, với Dự án Hanoi Westgate có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD…
Chiến lược của khối ngoại chưa bao giờ thay đổi
Ông Timothy Horton, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư bên ngoài, như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… từng quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam những năm 2008 – 2009, đã quay trở lại. Nguyên nhân là do thị trường BĐS Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực, mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam phân tích, Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ BĐS; nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ và có thể suy giảm trong vài năm tới. “Do đó, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ muốn tận dụng sự hồi phục của thị trường này, trong khi những thị trường khác bắt đầu có dấu hiệu nguội dần”, ông Neil MacGregor nói và cho biết, khối ngoại có xu hướng tập trung vào các tòa nhà văn phòng đang hoạt động, với dòng tiền ổn định tại các đô thị lớn của Việt Nam. Riêng BĐS du lịch, nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng các dự án có vị trí ven biển.
Có thể thấy rằng, danh mục đầu tư BĐS của khối ngoại chưa bao giờ dừng lại. Và khi gặp các doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn, khối ngoại đã nhanh tay tiến hành thâu tóm với giá hời. Thị trường BĐS vẫn tiếp tục chứng kiến việc nhà đầu tư ngoại săn lùng dự án tốt để mở rộng thêm những lĩnh vực họ đang nắm giữ, chứ không thu hẹp hoặc chuyển nhượng lại.
Theo Hữu Tuấn
Báo Đầu tư